3 chàng trai thuê nhà đón người vô gia cư
Thấy nhiều người già neo đơn, không có chỗ tránh nắng, mưa, Thanh Hải, Minh Sơn và Vương Anh góp tiền thuê căn nhà 4 tầng làm nơi ở cho họ.
Chiều muộn 14/3, Hải (23 tuổi) cùng Sơn và Vương Anh (21 tuổi) hẹn nhau tập trung tại ngôi nhà trong ngõ Linh Quang, đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa để dọn dẹp, sửa chữa đồ hư hỏng. Căn nhà được ba người thuê từ cuối năm ngoái giá 6,5 triệu đồng một tháng, làm chỗ ở cho người vô gia cư.
Hải kể sau nhiều lần cùng bạn bè đi tặng quà, phát cơm từ thiện cho người lang thang trên phố anh dần nhận ra thứ họ khao khát nhất không phải là những hộp cơm, gói bánh mà là một chỗ để đi về, không lo những đêm mưa, rét.
“Tôi muốn làm điều gì đó để họ được sống như người bình thường, sáng đi làm, tối về nhà thay vì bị gọi là người vô gia cư”, chàng trai 23 tuổi, trưởng nhóm “Hà Nội chung tay”, nói.
Biết ý định dựng mái ấm của Hải, hai sinh viên Minh Sơn và Vương Anh ngỏ ý tham gia để dự án sớm triển khai. Thời điểm đó cả hai vẫn nhận hỗ trợ từ gia đình, còn Hải làm giáo viên, lương tháng chưa đến 7 triệu đồng.
Cuối tháng 12/2022, sau khi tìm hiểu kỹ các hoàn cảnh, cả nhóm dồn toàn bộ tiền tiết kiệm đi thuê nhà, xin giường, chiếu, chăn, bàn ghế cũ từ các đội tình nguyện, quyết tâm thực hiện lời hứa “có một mái ấm để người vô gia cư đón Tết”.
Nhưng không phải mọi lời mời về nơi ở mới của họ đều được đồng ý bởi các quy định nghiêm ngặt. Để đảm bảo an toàn, các cụ phải về nhà trước 23h và không được đi ăn xin nữa. “Chúng tôi muốn giúp mọi người ổn định cuộc sống, an tâm đi làm, không phải chờ đợi sự bố thí”, Sơn nói.
Bên cạnh đó, trước khi đón các cụ về nhà chung, nhóm phải xác minh nhân thân, gọi điện thoại cho người thân để xin phép, khai báo tạm vắng, tạm trú, đăng ký thông tin cá nhân với cảnh sát khu vực, tổ dân phố theo quy định.
Sau cùng, ba thành viên luân phiên chốt trực tại nhà để giám sát, kịp thời hỗ trợ các cụ trong tình huống khẩn cấp. Họ hiểu việc chăm sóc người lớn tuổi không đơn thuần là lo bữa ăn, giấc ngủ mà phải có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của mỗi người.
Hiện mái ấm đã đón ba cụ trên 70 tuổi, nhiều năm sống bám vỉa hè. Một trong số đó là cụ Nguyễn Văn Phương, 90 tuổi, chuyên đi nhặt ve chai trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm). Cụ Phương kể trước khi về mái ấm, mỗi ngày đều đi nhặt rác ở phố cổ, đêm muộn lại tìm vỉa hè rộng, sạch sẽ làm chỗ ngả lưng. Nhiều năm nay, cụ không có cảm giác được ở trong một ngôi nhà đúng nghĩa bởi tiền bán đồng nát chẳng đủ thuê nhà.
Cuối tháng 12 năm ngoái, sau nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với Minh Sơn, cụ Phương đồng ý chuyển về mái ấm. Tại đây, cụ được nhóm sắp xếp chỗ ở trên tầng 3, có sẵn giường, chăn, màn và vật dụng cơ bản.
Lần đầu được sống trong căn nhà rộng rãi, sạch sẽ, đầy đủ điện nước cùng bình nóng lạnh, cụ ông 90 tuổi không kiềm được nước mắt. “Từ nay tôi chẳng sợ cảnh màn trời chiếu đất sau, ốm đau không có chỗ nghỉ ngơi. Tôi không nghĩ những ngày cuối đời còn được các cháu sinh viên cưu mang, chăm sóc”, cụ nói.
Trên phòng cụ Phương, ông Đặng Thế Quý, sống bằng vào nghề câu cá, cũng được đón về mái ấm hồi cuối tháng 1. Cụ ông 72 tuổi nói sau gần chục năm mới có cơ hội ở trong căn phòng vững chắc thay vì trú ngụ trên con thuyền cũ nát, ngày nóng, đêm rét, trên sông Hồng.
“Ban đầu tôi tưởng các cậu ấy nói đùa, vậy mà trước Tết được đón về thật. Giờ đây tôi không còn là người vô gia cư nữa, bản thân cũng hết cảnh cô quạnh mỗi khi Tết đến, Xuân về”, ông Quý nói.
Biết nhiều người từ chối về mái ấm vì không được đi ăn xin, nhận tiền từ các đoàn từ thiện, người đàn ông 72 tuổi khẳng định đó là việc không nên. “Các cháu đã lo liệu cho nơi ở tử tế thì nên tính phương án đi làm nuôi sống bản thân. Ở tuổi nào cũng cần lao động, đừng ỷ vào lòng tốt mà phụ thuộc, lười biếng”, ông kể.
Trung bình mỗi tháng nhóm phải chi gần 10 triệu đồng tiền thuê nhà, điện nước và hỗ trợ một phần gạo, đồ ăn cho các cụ. Toàn bộ chi phí do ba thành viên tự đóng góp, không nhận hỗ trợ hay kêu gọi từ bên ngoài. Để duy trì hoạt động, Hải thường tranh thủ lúc rảnh rỗi chạy xe ôm công nghệ, trong khi Sơn và Vương Anh xin đi làm thêm ngoài giờ học.
Hành động của nhóm bạn trẻ bị gia đình và bạn bè nói “gàn dở”, “điên khùng”, số khác lại cho là hành động bột phát, sớm bỏ cuộc. Nhưng cả ba đều bỏ ngoài tai vì thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn cùng khao khát có một mái ấm thực sự của những người vô gia cư.
“Tiền làm ra tiêu bao nhiêu cũng hết, nên chúng tôi muốn dành cho những việc ý nghĩa. Mong muốn duy nhất của ba anh em là nhận lại nụ cười, niềm hạnh phúc từ các cụ. Có khó khăn nhưng chúng tôi không nản chí”, Minh Sơn khẳng định.
Bà Lê Thị Thủy, 63 tuổi, hàng xóm, nói cảm phục khi biết việc làm của nhóm bạn trẻ. Hiểu đây là việc thiện nguyện, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn nên bà và những hộ xung quanh liên tục động viên, giúp đỡ trong khả năng. “Nhưng chi phí hàng tháng để duy trì hoạt động cao quá, nếu có thêm người hỗ trợ các cháu sẽ tốt hơn”, bà nói.
Ông Bùi Văn Long, tổ trưởng tổ dân phố số 15, phường Văn Chương, quận Đống Đa cho biết ban đầu có phần e ngại khi biết có nhóm sinh viên thuê nhà trên địa bàn cho người vô gia cư. Nhưng khi hiểu mục đích hoạt động, ông và người dân trong khu phố đều cởi mở, tạo điều kiện giúp đỡ.
Bên cạnh đó, ông cũng hướng dẫn nhóm liên hệ với cảnh sát khu vực, đăng ký tạm vắng tạm trú để thuận lợi trong công tác kiểm soát người, đảm bảo an ninh trật tự. Hiện thủ tục về mặt pháp luật đã hoàn tất.
“Về việc làm, đây là nghĩa cử cao đẹp, bởi không mấy người trẻ dám bỏ công, bỏ sức chăm sóc những người già trên 70 tuổi”, ông Long khẳng định.
Thừa nhận gặp khó về kinh tế cũng như cân bằng giữa công việc và hoạt động thiện nguyện, nhưng ba thành viên đều khẳng định sẽ nỗ lực duy trì hoạt động. Sau ba tháng triển khai và ghi nhận những kết quả bước đầu, “Hà Nội chung tay” mong đón thêm được nhiều người lang thang có nhu cầu về ở.
“Còn xa hơn nữa khi kinh tế vững vàng, chúng tôi muốn mở rộng mô hình sang nhiều quận và tỉnh lân cận”, Thanh Hải chia sẻ.